NHỮNG BỘ PHIM ĐIỆN ẢNH VỀ HỘI HỌA BẠN NÊN XEM.
Mỗi bộ film như gắn liền với từng giai đoạn cuộc sống của mỗi một con người. Với:
KẺ LẬP DỊ (THE BEST OFFER) 2013 là sự khát khao trong tình yêu, niềm đam mê và sự mưu tính.
ĐÔI MẮT LỚN (BIG EYES) 2014 là tình yêu gia đình, hôn nhân và sự phản bội
NGƯỜI PHỤ NỮ VÀNG (WONMAN IN GOLD) 2015 là gia đình và sự tự tôn dân tộc.
Annam Gallery xin được tổng hợp và chia sẻ tới các bạn 3 bộ film với chủ đề về hội họa được cho là hay nhất theo từng năm 2013-2014-2015 với những câu chuyện xoay quanh cuộc sống và cái nhìn gần gũi hơn với hội họa.
KẺ LẬP DỊ (THE BEST OFFER) 2013
Đạo diễn: Giuseppe Tornatore
Diễn viên: Geoffrey Rush, Jim Sturgess và Sylvia Hoeks
“Tình yêu, thủ đoạn, thù hận, tất cả hiện lên rõ ràng, nhưng cả bộ phim người xem vẫn như đi trong lớp sương mù.”
Lấy bối cảnh tao nhã của thế giới kinh doanh đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật cao cấp, Kẻ lập dị (The Best Offer, tiếng Ý: La Migliore Oferta) của đạo diễn, tác giả kịch bản Giuseppe Tornatore là bộ phim tình cảm li kỳ đến tận cùng như đứa con lai giữa Hugo (2011, đạo diễn Martin Scorsese) và Vertigo (1959, đạo diễn Alfred Hitchcock), xen thêm một chút của Hạnh phúc ảo (Her, 2013, đạo diễn Spike Jonze).
Cùng sự góp mặt của dàn diễn viên đa dạng: Geoffrey Rush (Úc), Jim Sturgess (Anh) và Sylvia Hoeks (Hà Lan). Tất cả làm nên một bộ phim hấp dẫn vừa lãng mạn vừa kì bí. Bộ phim ấy hay hơn cả một chuyện tình, li kì tới từng tình tiết, tất cả gắn chặt, cuốn lấy khán giả suốt 131 phút.
Điều thú vị khi xem Kẻ lập dị là sự lịch lãm, cách khơi chuyện hồi hộp vừa phải. Khán giả chẳng thể biết chắc đâu là mấu chốt, một phần vì không hề nói rõ nó thuộc thể loại phim nào. Có thể gọi Kẻ lập dị là một bộ phim tình cảm li kỳ, nhưng hàm chứa nhiều thể loại phim khác nữa. Bầu không khí cổ kính của phim – biệt thự mục nát, phòng đấu giá trang trí tao nhã… – giúp thu hút khán giả. Nhưng cách diễn đặc trưng của Rush, cốt truyện cheo leo trên bờ vực giữa vách đá sợ hãi mất phương hướng và hố sâu lãng mạn, đặt nền móng xúc cảm cho mọi thứ.
Nội dung phim: Virgil Oldman là một nhà sưu tập tranh, ông sở hữu những tác phẩm của các danh họa tài ba trên thế giới mà các viện bảo tàng ước muốn. Ông dành hết thời gian cho nghệ thuật cho đến khi gặp được Claire, một cô gái bí ẩn. Một hôm trên đường trở về nhà, Oldman bị đánh cướp. Ông được cô chăm sóc chu đáo, men tình thêm nồng ấm, trái tim biết yêu ở tuổi xế chiều càng thêm rộn ràng. Thế nhưng đến một buổi sáng khi Oldman mở cửa phòng trưng bày thì tất cả các bộ sưu tập cá nhân của mình và Claire đều biến mất.
ĐÔI MẮT LỚN (BIG EYES) 2014.
Đạo diễn: Tim Burto
Diễn viên: Danny Huston, Jason Schwartzman, Terence Stamp, Amy Adams, Christoph Waltz, Krysten Ritter
Với tài năng của đạo diễn Tim Burton, phim “Big Eyes” được dàn dựng dựa trên một câu chuyện có thật về ông Walter Keane (tài tử Christoph Waltz), một họa sĩ từng thành công lớn trong thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Họa sĩ này tạo được danh tiếng lẫy lừng, mang đến một cuộc cách mạng trong nghệ thuật thương mại và sự tiếp cận với nghệ thuật phổ thông trong quần chúng qua những bức tranh độc đáo với hình ảnh cô gái được vẽ với đôi mắt to tròn khác thường. Thế nhưng sau này dần dần người ta được biết một sự thật đằng sau những bức tranh nổi tiếng của ông: Họa sĩ này Keane không thật sự là tác giả của những em gái với đôi mắt to, mà vợ ông, bà Margaret (nữ tài tử Amy Adams) mới chính là người đã tạo ra những đôi mắt ấy.
Vụ tranh chấp tác quyền tranh giữa hai vợ chồng nhà Keane là một trong những bê bối rúng động nhất giới hội họa thế kỷ XX.
Năm 1986, một phiên tòa kỳ lạ đã diễn ra tại Honolulu, Hawaii. Bà Margaret Keane, khi đó 59 tuổi, đâm đơn kiện chồng cũ Walter Keane vì mạo nhận là tác giả của những bức tranh do bà vẽ nhằm mục đích trục lợi. Ngay trong phòng xử án, thẩm phán đã quyết định cho cả hai cùng vẽ trong vòng một tiếng để phân xử. Cuối cùng, Margaret là người duy nhất hoàn thành tác phẩm và thắng kiện. Phi vụ lừa đảo của Walter Keane cũng chính thức bị bóc trần, khiến ông ta từ một họa sĩ giàu có và đầy danh vọng, trở thành kẻ trắng tay đến cuối đời.
Trong phim Ông Walter Keane luôn lặp đi lặp lại câu nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” để giải thích vì sao các nhân vật trong tranh chân dung của ông luôn có đôi mắt to tròn giàu biểu cảm. Kỳ thực, đối với ông Walter, đôi mắt còn là cửa sổ gia tài. Hồi thập niên 1950 – 1960, ông Walter là họa sĩ có số lượng tranh bán chạy hàng đầu tại Mỹ, những bức tranh sơn dầu khắc họa những đứa trẻ với vẻ mặt buồn bã và đôi mắt mở to xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Những ngôi sao Hollywood nổi tiếng thời bấy giờ như Joan Crawford, Natalie Wood, Kim Novak… không chỉ thích thú sưu tầm tranh của Walter Keane mà còn đặt hàng ông vẽ chân dung họ theo phong cách “mắt to”.
Margaret Keane sau đó mất vào ngày 22/6/2022.
NGƯỜI PHỤ NỮ VÀNG (WONMAN IN GOLD) 2015
Đạo diễn: Simon Curtis
Diễn viên: Helen Mirren, Ryan Reynolds, Daniel Brühl, Katie Holmes, Tatiana Maslany, Max Irons, vvv.
Woman in gold, phim mới ra mắt trong năm 2015 với diễn xuất của Helen Mirren là “một bộ phim cảm động, có tính giải trí pha trộn giữa sự ấm áp và hài hước trong khi vẫn dạy chúng ta đôi điều về lịch sử, luật pháp và công lý.
Dựa trên một sự kiện có thật tốn rất nhiều giấy mực của báo chí thế giới, nói về cuộc chiến pháp lý giữa bà Maria Altman với chính quyền nước Áo để đòi lại bức họa nổi tiếng Portrait of Adele Bloch-Bauer I của danh họa người Áo Gustav Klimt bị Đức quốc xã đánh cắp trong Thế chiến thứ hai. Đó là tài sản thừa kế của bà từ người chị gái – người thân duy nhất từng chạy trốn cùng bà khỏi Đức quốc xã tại Áo trong những năm Thế chiến thứ hai. Và nay bức tranh đang trưng bày tại Bảo tàng Belvedere ở Vienna với tên gọi Woman in gold, được xem là “Mona Lisa của nước Áo” và được nước này coi là “báu vật quốc gia”
Woman in gold (đạo diễn Simon Curtis) có kinh phí 11 triệu USD và thu về 50 triệu USD, là một trong những bộ phim độc lập thành công của năm 2015.
Nội dung phim: Bộ phim mở đầu với cảnh ra đời bức tranh chỉ trong hơn một phút, danh họa người Áo Gustav Klimt đang vẽ bức chân dung Adele Bloch-Bauer vào năm 1907, một bức tranh nạm bằng vàng lá về người phụ nữ vương giả quyền quý Adele nhưng đôi mắt không giấu được vẻ bồn chồn, lo lắng. Khi Klimt hỏi lý do, Adele đáp: “Ông biết mà. Tương lai”.
Nhanh chóng, bộ phim chuyển cảnh sang thời tương lai năm 1998 ở Los Angeles, bà Maria Altman (Helen Mirren đóng), một phụ nữ Do Thái, đang phát biểu trong đám tang người chị gái – người thân duy nhất từng chạy trốn cùng bà khỏi Đức quốc xã tại Áo trong những năm Thế chiến thứ hai. Trong những tài sản mà người chị gái để lại, Maria phát hiện nhiều tài liệu về nỗ lực đòi lại năm bức tranh quý của Klimt, tài sản của gia đình bà trước kia bị Đức quốc xã đánh cắp và nay đang trưng bày tại Bảo tàng Belvedere ở Vienna.
Maria lúc đó đã 81 tuổi, sống một cuộc đời giản dị và vẫn tiếp tục làm việc trong một cửa hàng nhỏ do bà làm chủ, quyết định nhờ sự tư vấn của luật sư trẻ tuổi Randy Schoenberg (Ryan Reynolds đóng) về việc hoàn trả lại các tác phẩm nghệ thuật.
Điều thú vị Randy là cháu nội của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo Arnold Schoenberg, người cũng chạy trốn Đức quốc xã trong những năm nước này bị phát xít Đức chiếm đóng.
Một bà lão có một quá khứ nhiều tổn thương mất mát và một chàng luật sư trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng có thừa sự nhiệt huyết đã cùng nhau thực hiện một cuộc chiến pháp lý dai dẳng với chính quyền nước Áo trong nhiều năm liền để đòi lại những bức tranh quý, trong đó có bức Portrait of Adele Bloch-Bauer I, thời điểm đó đang trưng bày trong Bảo tàng Belvedere với tên gọi Woman in gold, được xem là “Mona Lisa của nước Áo” và được nước này coi là “báu vật quốc gia”…
Một trong những cảnh ấn tượng nhất của bộ phim là bài phát biểu của Randy trước giờ phán quyết của tòa án:
“Đây là thời khắc quá khứ phải trả lại công bằng cho hiện tại. Nhiều năm trước ở đất nước này đã xảy ra nhiều sự việc khủng khiếp, con người bị làm nhục, bị áp bức, bị giết, thậm chí cả gia đình bị tàn sát và trấn lột tài sản, việc làm cùng những thứ quý giá. Trong số đó có gia đình Bloch-Bauer. Và lúc này đây, với tư cách một người Áo, là con người, tôi đề nghị quý vị nhận ra sai lầm và sửa sai, không chỉ cho Maria mà cả cho nước Áo”
Trên thực tế, bức tranh Portrait of Adele Bloch-Bauer sau khi được tòa án tối cao quyết định trả lại cho Maria Altman vào năm 2006, bà đã bán nó cho nhà sưu tập tranh Ronald Lauder với giá 135 triệu USD – mức giá kỷ lục cho một bức tranh và hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Neue Galerie ở New York.
Số tiền đó Maria tài trợ cho một số tổ chức từ thiện và nghệ thuật, trong đó có nhà hát opera ở Los Angeles. Maria vẫn tiếp tục sống trong căn nhà nhỏ của bà và tiếp tục làm việc cho đến khi qua đời vào năm 2011, thọ 94 tuổi.
Portrait of Adele Bloch-Bauer cùng một số bức tranh khác của Gustav Klimt đang được trưng bày tại Bảo tàng Neue Galerie ở New York.
SAIGON 4.2024
Bài viết được tổng hợp và biên tập bởi Annam Gallery.
Bản quyền thuộc về Annam Gallery.