Nát giỏ còn bờ tre
Sau hơn ba năm làm việc miệt mài cùng đội thợ lớn tuổi có kĩ năng về mây tre tại thôn Mậu Long, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, hơn một tháng cùng ê-kíp bày biện tại TP.HCM, Trung Nghĩa và các đơn vị đồng hành vui mừng giới thiệu đến công chúng triển lãm sắp đặt thị giác mang tên Nát giỏ còn bờ tre.
Triển lãm nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các thương hiệu, nhà tài trợ trong triển lãm, cũng như cam kết trong các công việc thiện nguyện cho trẻ em vùng núi Quảng Nam hậu triển lãm.
Trung Nghĩa kể nguyên do mình đến với các tác phẩm về tre, cũng khá tình cờ. Anh nói: “Rời khỏi Đà Lạt và trở về quê cha đất tổ Quảng Nam, ở cái tuổi gần 40, sống lông bông, chỉ có lòng yêu nghệ thuật làm hành trang. Mà vừa chạm mặt dòng Thu Bồn, núi Cà Tang, thôn làng ẩn hiện… thì đã yêu mãnh liệt đất này. Nhắm mắt hít một hơi thì nghe thoảng cái mùi cố hương, mùi của rơm rạ, của nhang khói, của cây dủ dẻ, cây sim, của cây cỏ sau mưa… Nhất là nhớ khi bước những bước chân lên khúc bờ đá quanh co nhà ông nội, lần nào cũng vậy, những mùi hương kỳ lạ đó đi theo thằng bé ba tuổi đến tận năm nó gần 40 không hề khác nhau”.
Triển lãm lần này gồm 6 tác phẩm lớn, lấy vật liệu từ mây, tre, dầu rái địa phương, kết hợp với lối xử lý truyền thống, toàn bộ chi tiết đều được trau chuốt bởi bàn tay, kinh nghiệm của những thợ thủ công lớn tuổi, những người còn sót lại của một thế hệ sống gắn bó với vào màu xanh của cây cỏ quê hương. Họ vốn là những nông dân, sống bằng đủ nghề, nhưng sắc sảo nhất là mây tre, đan lát, đan từ giỏ gà, thúng, nia, ghe, rọ heo… cho đến làm nhà, làm phên giậu. Họ thủ đắc những kỹ năng vừa cơ bản vừa khoa học, tinh tế của nhiều người Việt ngày xưa, vốn thích sống thuận với tự nhiên và môi trường của văn minh nông nghiệp, lúa nước, thủ công mỹ nghệ nhà nông.
“Bây giờ mà để ý kĩ, sẽ thấy các cụ già ngày xưa hầu như ai cũng có kĩ năng về tre, về mộc, hiểu chút ít về các loại cây lá thuốc, họ tự tay làm rổ rá, phên chiếu, nhang, dựng nhà… Cách tự tay làm lấy mọi thứ này, thế giới hiện đại gọi là DIY (DIY – Do It Yourself)” – Trung Nghĩa nói.
Trung Nghĩa đã cùng các nghệ sĩ dân gian này tạo ra các tác phẩm, vốn khác với những gì họ thường làm, khác những vật dụng có tính hữu dụng đời thường, nên bên cạnh sự băn khoăn, tự hỏi, họ còn có cảm xúc của việc làm ra cái gì đó mới mới, tò mò về tính hiệu dụng và cả thăm dò về sự ứng ý của người nghệ sĩ. “Bác thấy con tốn tiền tốn sức quá, mà làm ra cái ghe như ri, đâu có bơi sông được, thấy ngại quá con ơi”. Trung Nghĩa kể những câu nói như thế này là anh thường xuyên nghe, nhiều lúc phải vừa năn nỉ vừa động viên, mấy bác thợ mới chịu làm tiếp.
Tại triển lãm, nếu không vì lý do thời tiết, các bác thợ mây tre này sẽ vào tham dự. Với Trung Nghĩa, các bác không chỉ là thợ, mà là một phần quan trọng của câu chuyện Nát giỏ còn bờ tre.
Triển lãm đón chào không chỉ công chúng yêu mến nghệ thuật thuần túy, giới sưu tập, các chuyên gia… Mà còn mong muốn mở rộng cho mọi người, truyền cảm hứng cho mọi tầng lớp trong xã hội, để họ biết chính trong những con người bình dị quanh mình, chính trong những xưa cũ của cha ông, luôn có những điều đẹp đẽ ẩn hiện, nếu gặp một thời khắc thích hợp, thì điều bình thường cũng sẽ hóa diệu kỳ.
Trong những thời khắc dù đen tối, bi thương của con người, “bờ tre” xanh ngắt bảo bọc và che chở chúng ta, rồi mọi thứ, cũng sẽ bằng bàn tay và tinh thần lạc quan, sẽ được xây dựng trở lại. Như các dân tộc Việt mình tồn tại từ ngàn năm qua.
Về tên gọi Nát giỏ còn bờ tre. Trong các văn ngôn dẫn chứng và các phái sinh từ đời sống, câu “Nát giỏ còn bờ tre” có khi là “Nát giỏ còn tre”, ví dụ “Phận người nát giỏ còn tre/ Phận ta nát gỗ nhánh nè cũng không” – ca dao. Đôi khi còn có các dị bản như “Nát phên còn tre”, “Nát vỏ còn bờ tre”, “Nát giậu còn bờ tre”…, ví dụ “Giậu kia rách nát hãy còn bờ tre” – ca dao. Nhưng ở đây chúng tôi chọn câu “Nát giỏ còn bờ tre”.
“Dự án tre của Trung Nghĩa khiến tôi đau đáu về vấn đề vừa cá nhân vừa phổ biến, đó là tình trạng mất gốc của con người thế kỷ 21. Một mặt, ta khao khát và nỗ lực vươn đến những tiên tiến kỹ thuật, tiện nghi bậc nhất phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của mình; mặt khác, ta đẩy mình ra xa khỏi gốc rễ tự nhiên – nơi khởi nguồn sự sống của nhân loại và vạn vật. Nhưng điều khiến tôi đau đáu hơn cả là hậu quả của việc mất gốc này – con người sẽ dần mất đi cảm xúc khi đứng trước, hay chỉ đơn giản là khi nghĩ về thiên nhiên. Ta mải lướt màn hình điện thoại hơn là ngắm nhìn một đóa hoa dại. Ta tất bật cùng màn hình vi tính hơn là đắm mình vào một dòng sông lúc chiều tà. Ta tận hưởng làn gió từ những cánh quạt điện hơn là khí trời giữa chốn rừng tươi mát. Để rồi đến một ngày, chỉ có thế giới ảo và những tiện nghi hiện đại mới khiến ta “rung động”, và ta dần trở nên vô cảm với thiên nhiên quanh mình” – Đồng Hà Nhuận nhận định.
Còn với Trung Nghĩa: “Lần gần nhất là trước khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát tại Đà Nẵng-Quảng Nam, tôi phải chứng kiến một người thợ trong Nát giỏ còn bờ tre ra đi. Một người thì được đưa vào khám ung bướu, một người thợ già 86 tuổi đau ốm liên miên, mắt mờ chân run. Cách đây 3-4 năm, họ vẫn còn leo cây đốn tre, vào rừng lấy mây, lấy dầu rái nhanh nhẹn, gọn gàng. Mà nay đứng trước tôi như một người khác, thời gian thật tàn khốc, đời người buồn bã và mong manh quá vậy?
Con đường làng bây giờ đã được san lấp, khối nhà của chính quyền nằm to lớn trên đồi, xe tải chở keo ra vô nườm nượp, xóm làng bắt đầu nói về chữ “quy hoạch”, “phân lô”… Những từ ngày xưa vốn ít được nhắc đến, nay họ đa số ngồi chơi nhàn hạ, sống trượt qua cuộc đời, không chậm cũng chẳng nhanh.
Khi bụi tre lớn ở nhà ông nội tôi bị san phẳng, khu vườn yên tĩnh giờ đã bị cào bằng theo, mất đi bao nhiêu mảng xanh trên con đường xuyên quê tiện lợi, hiện đại…, ký ức về cố hương của tôi cũng mờ dần. Nhưng vì nhiều người không quen với việc sống chung với tự nhiên, mọi thứ phải được phân lô và kiểm soát, con người sinh sôi chớ đất đâu có sinh sôi? Những con người xưa cũ nằm xuống, những rặng tre lui dần nhường cho một thế hệ mới. Trong lòng tôi vẫn mang nặng câu hỏi: “Nát bờ tre còn gì?”