PHỤ NỮ TRONG TRANH NGUYỄN PHAN CHÁNH GẦN 100 NĂM TRƯỚC.
Trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, họa sĩ có cảm hứng rất lớn tới việc khắc họa hình tượng các phụ nữ, đặc biệt là nông thôn, nơi ông đã sinh ra và lớn lên, do đó việc diễn ta các hình ảnh rất chân thực và nhiều cảm xúc gần gũi, bình dị… cũng chính vì thế mà một đối tượng phụ nữ nhưng ông đã khai thác nhiều đề tài khác nhau. Phụ nữ may vá, thêu thùa, nhuộm vải, bán trầu, bếp núc, đồng áng là những hoạt động của phụ nữ được khắc họa trong tranh Nguyễn Phan Chánh, cách đây gần 100 năm.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21.7.1892 tại Hà Tĩnh, nên có khi ký là Hồng Nam (tức người ở phía Nam núi Hồng Lĩnh). Phụ nữ Bắc Bộ trong tranh Nguyễn Phan Chánh thường được đặc tả rất bình dị với khăn mỏ quạ, áo lĩnh, yếm, quần nái đen.Và đặc biệt trong tranh của ông hay có những dòng thư pháp, đó là do từ nhỏ ông đã được học chữ nho và nghệ thuật thư pháp.
“Những cô thợ may” là bức duy nhất cán mốc triệu USD của họa sĩ, 1,39 triệu USD (32,5 tỷ đồng). Tranh kích thước 65,5×88 cm, ra đời năm 1930, mô tả bốn phụ nữ mặc áo tứ thân, quàng khăn mỏ quạ ngồi khâu vá.
Họa sĩ đề bốn câu thơ: “Nét duyên dáng và thuần khiết của các nàng là vô song/ Nàng nào là người yêu kiều nhất?/ Giống như tấm lụa họ đang may/ Mỗi nàng đều có vẻ đẹp độc nhất”. Tác phẩm được triển lãm tại Hội chợ Thuộc địa Paris 1931 và từng thuộc bộ sưu tập của Jean-Marc Lefèvre.
“Les Teinturières” (Thợ nhuộm tại nơi làm việc) được họa sĩ vẽ năm 1931, khắc họa ba người đang ngồi nhúng vải vào chậu thuốc nhuộm. Trên nền có một số vệt đen là nước rớt ra ngoài. Theo Christie’s, khác những thiếu nữ sang trọng trong tranh của Mai Trung Thứ, Lê Phổ, sự khắc khổ của phụ nữ lao động được Nguyễn Phan Chánh thể hiện qua bàn chân trần, khung cảnh làm việc đơn giản. Tranh đạt mức 4,4 triệu HKD (13,1 tỷ đồng) trong phiên đấu giá tháng 5/2021.
“Le Jeu Des Cases Gagnantes” (Chơi Ô Ăn Quan) cùng với các bức “Cô gái rửa rau”, “Em bé cho chim ăn”, “Lên đồng”, “Chơi ô ăn quan” xứng đáng đứng vào hàng những kiệt tác hội họa của thế kỷ, là một mẫu mực về thể loại tranh lụa. Trong một bài viết in trên tạp chí L’Illustration (số ra ngày 27/6/1931), Jean Gallotti đã ca ngợi Nguyễn Phan Chánh: “Sự hài hòa của bố cục, đôi khi cái duyên dáng của các khuôn mặt luôn luôn là cái thi vị thấm đậm của đời sống Viễn Đông…”.
Như trên đã nói, lần đầu tiên công chúng Pháp biết tranh lụa Nguyễn Phan Chánh là qua cuộc triển lãm tại Paris năm 1931. Tạp chí L’Illustration xuất bản ở Paris số Noel 1932 đã giới thiệu 4 bức tranh “Chơi ô ăn quan”, “Lên đồng”, “Cô gái rửa rau” và “Em bé cho chim ăn” của Nguyễn Phan Chánh. Sau đó, năm 1940, “Chơi ô ăn quan” cùng với 13 bức tranh lụa khác của cùng tác giả được đưa sang triển lãm tại Tokyo (Nhật Bản). Rồi do cuộc đại chiến thế giới ngày càng lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt của người dân nhiều nước nên những bức tranh nói trên gần như biệt vô tăm tích.
Nhà sưu tầm Đức Minh quả là người có công lớn khi đưa được bức “Chơi ô ăn quan” về Việt Nam. Năm 1953, nhân một lần sang Paris, trong lúc lang thang dạo qua một vài cửa hàng đồ cũ, ông đã trông thấy một bức tranh đề xuất xứ Việt Nam. Đó chính là bức “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh. Ông Đức Minh đã mua lại bức tranh với giá chỉ bằng một chiếc máy ảnh Rollet – Flex. Bức tranh được đưa về Việt Nam trước khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô. Vì một sự tình cờ mà nhà sưu tập tranh Đức Minh đã có được kiệt tác nghệ thuật này.
Kháng chiến trở về, danh họa Nguyễn Phan Chánh rất đỗi vui mừng khi hay tin ông Đức Minh đã tìm lại được “Chơi ô ăn quan”. Ông tìm đến nhà ông Đức Minh, ôm lấy ông Minh tạ lòng tri ân. Hiện tại không rõ bức tranh đang nằm tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam hay tại Bảo tàng Fukuoka Asian Art Museum (Ajibi) của Nhật(!?)
“Rice Planters”, 1958 (Đi cấy), kích thước 52x72cm, diễn tả khung cảnh cấy mạ sáng sớm của vùng nông thôn Bắc Bộ, hình ảnh những người phụ nữ quấn chiếc khăn mở quạ, xắn ốc quần cấy những luống mạ xanh mơn mởn, bên cạnh là những ấm nước bằng đất hay được người dân sử dụng trong việc làm nông. Tranh được bán với giá hơn 1,0 triệu HKD ( hơn 3 tỷ đồng) trong phiên của Sotheby’s hồi 3/2019
“Market Scene”, 1937, (Chợ quê) với kích thước 57.5 x 77 cm. Diễn tả lại khung cảnh buôn bán chợ quê nhộn nhịp với các mặt hàng phục vụ cho đời sống của người bản xứ.
“La femme dans la rizière” (Người đàn bà trên cánh đồng lúa). Mực và bột màu trên lụa.56 x 37 cm. Được đấu giá thành công với mức giá HKD 2,125,000 (6,8 tỷ đồng) vào tháng 11 năm 2019 tại Christie’s Hồng Kông
“La Marchande de Ôc” (Người bán ốc) vẽ năm 1929, kích thước 88×65,5 cm, khắc họa khung cảnh một phụ nữ và ba trẻ em ngồi ăn ốc tại một gánh hàng rong, một người đội nón quai thao đứng nhìn. Từ xa xưa, Hà Nội nổi tiếng với món ốc luộc. Ốc được ngâm trong nước vo gạo để nhả hết đất, sau đó luộc chín với gừng, lá chanh, sả. Tranh được bán với giá 4,6 triệu HKD (13,9 tỷ đồng).
“La Pâtisserie”, kích thước 64,5×50,5 cm, diễn tả khoảnh khắc một phụ nữ đang ngồi quạt bánh đa (bánh tráng), bên cạnh là chiếc thúng đựng bánh. Theo Christie’s, với chữ ký “năm con ngựa, mùa đông” ở góc trên bên trái, tác phẩm được cho là sáng tác vào mùa đông năm 1930. Tranh là minh chứng cho tài năng của họa sĩ khi vẽ những chủ đề đơn giản nhưng gợi nhiều cảm xúc về hình ảnh phụ nữ làm nghề buôn bán nhỏ, lột tả một phần cuộc sống của người dân thời bấy giờ. Tranh được bán giá 4,7 triệu HKD (14 tỷ đồng) trong phiên của Christie’s hồi tháng 12/2021.
“La Marchande de canne à sucre” (Róc mía) ra đời năm 1932, kích thước 60×50,5 cm, miêu tả một phụ nữ ngồi trên ghế, cầm dao tước vỏ mía, một vài cây đặt bên cạnh. Tranh bán giá 3,5 triệu HKD (10,5 tỷ đồng) hồi tháng 5/2022.
“La Marchand de Riz” (Người bán gạo) sáng tác năm 1932, mô tả một người đang đong gạo để bán. Tác phẩm được một người Anh mang tới trụ sở của Christie’s ở London, bị nhầm là của tác giả Trung Quốc vô danh và định giá chỉ khoảng 75 USD (1,7 triệu đồng). Tuy nhiên, sau khi được chuyển về khu vực châu Á, một số người nhận ra giá trị của bức vẽ nhờ chữ ký phía sau tranh. Tác phẩm sau đó được bán 3,03 triệu HKD (9 tỷ đồng).
Nguyễn Nguyệt Anh – con gái họa sĩ – cho biết người mặc áo trắng đứng đong gạo là mẹ cô. ” Mẹ tôi đã làm mẫu trong khá nhiều tác phẩm của cha và bao giờ cũng là gương mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt lá răm và sống mũi thanh”, cô nói.
“La Laveuse” (Người giặt giũ) ra đời năm 1931, vẽ một phụ nữ giặt quần áo bên bờ sông. Theo nhà đấu giá, họa sĩ thể hiện tài năng trong việc diễn tả ánh sáng và bóng tối khi sử dụng bốn tông màu nâu: Nước, quần áo, giỏ xách và nền đất, kết hợp mảng màu đen của quần, khăn. Bức họa bán giá 2,9 triệu HKD (8,9 tỷ đồng) vào hồi tháng 10/2018.
Bức “La Vendeuse De Bétel”, năm 1931, kích thước 67×55 cm, mô tả một phụ nữ ngồi bên thúng bán trầu với các dụng cụ: Bình vôi, khay đựng cau, lá trầu… Auguste Tholance – quyền Thống đốc Nam Kỳ năm 1929, thường trú tại Bắc Kỳ từ năm 1930-1937 là người mua tranh. Ông cùng gia đình sở hữu nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ tên tuổi Việt Nam như Lê Phổ, Mai Trung Thứ. Tranh bán giá 3,16 triệu HKD (9,4 tỷ đồng) hồi tháng 11/2014.
“Sewing” (May vá) ra đời năm 1931, miêu tả cô gái ngồi trước thúng vải, bên cạnh là chiếc kéo. Sinh thời, họa sĩ từng nói: “Không hiểu sao tôi lại không thích những cô gái tô son, trát phấn giữa thủ đô mà tìm về thôn Kim Liên ở ngoại thành. Tôi đứng dựa gốc cây nhìn những thiếu nữ quần đen áo nâu giống gái quê mình, có cô phảng phất như người ở hội Chùa Hoa Mộc mà mình đã yêu, mối tình đầu mà chẳng nên duyên”.
Số lượng tranh của Nguyễn Phan Chánh có lẽ là một điều cần phải bàn cãi. Có báo nói cả đời ông vẽ khoảng 170 bức lụa. Báo thì nói 140 bức , hiện chỉ còn khoảng 50 bức, gồm 20 bức gia đình giữ, bảo tàng giữ 30 bức… Các bức còn lại trôi nổi ở đâu không rõ, chỉ biết nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã mua được hơn 200 ký họa của họa sĩ cách đây vài năm.
Khá nhiều tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã bị hỏng. Năm 2008, ba bức “Cô gái cưỡi bò qua sông” (1967), “Hun Thuyền” và “Đón củi” (1938) đã được Nhật Bản “đón về” phục chế, trong tình trạng hư, mục, chỉ còn lại từng mảnh lụa rời. “Khó khăn lớn nhất trong việc phục chế các bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh chính là gỡ bỏ lớp giấy xi măng, những mảnh lụa gần như tan ra và tôi đã cố gắng thu thập những mảnh còn sót lại rồi lắp ghép từng mảnh một” – bà Kikuko Iwai, Giám đốc Học viện Phục chế nghệ thuật Iwai – người nổi tiếng trong làng mỹ thuật thế giới với việc phục chế thành công các bức họa của Picasso cho biết.
15 năm qua dự án đã phục chế được 16 tác phẩm tranh lụa của họa sĩ và tổ chức 3 cuộc triển lãm trưng bày các tác phẩm được phục chế cũng như hành trình phục chế cho các bức tranh. Triển lãm gần đây nhất được mang tên “Người nói chuyện tình: Chuyện người kết nối ánh mắt họa sĩ” được diễn ra vào ngày 28/4/2023 đến 19/5/2023 tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Thế kỷ 21, Phòng trưng bày Công dân Kanazawa B (B1F) 1-2-1 Hirosaka, Thành phố Kanazawa, Tỉnh Ishikawa.
MỘT SỐ BỨC TRANH KHÁC CỦA HỌA SĨ NGUYỄN PHAN CHÁNH
SAIGON 4.2024
Bài viết được tổng hợp và biên tập bởi Annam Gallery.
Bản quyền thuộc về Annam Gallery.