PHÁI SINH TRONG NGHỆ THUẬT.

Với đa số người Việt Nam, khái niệm phái sinh trong lĩnh vực nghệ thuật còn khá xa lạ. Nhưng từ hàng trăm năm qua, tác phẩm phái sinh đã được xem là một hình thức sáng tạo, được pháp luật công nhận, nhiều tác phẩm phái sinh thậm chí có chất lượng nghệ thuật vượt xa khỏi bản gốc…

PHÁI SINH LÀ SÁNG TẠO HAY ĐẠO NHÁI?

Trên thế giới, khái niệm phái sinh được hiểu một cách đơn giản và rõ ràng. Đó là tác phẩm dựa trên hoặc phát xuất từ một hoặc nhiều tác phẩm đã tồn tại trước đó.

Khoản 3, điều 2 Công ước Berne về Quyền Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật quy định tác phẩm phái sinh cũng được bảo hộ dù không nêu rõ khái niệm này, viết: “các bản dịch, mô phỏng, chuyển soạn âm nhạc và các chuyển thể khác của tác phẩm văn học hay nghệ thuật sẽ được bảo vệ như tác phẩm gốc mà không ảnh hưởng đến quyền tác giả của tác phẩm gốc”.

Trên thực tế, chúng ta đã biết Đoạn Trường Tân Thanh được phóng tác từ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhạc kịch Những Người Khốn Khổ được chuyển soạn từ tiểu thuyết cùng tên của Victor Hugo hay bộ ba album Classics In The Air của Paul Mauriat chơi lại các trích đoạn cổ điển nổi tiếng theo phong cách hòa tấu hiện đại. Tất cả đều là tác phẩm phái sinh vì ở đó, công chúng thấy được câu chuyện gốc, giai điệu gốc nhưng đã được thay đổi về cách thức biểu đạt, loại hình nghệ thuật với nhiều sáng tạo và sắc thái mới mẻ.

Tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 ở khoản 8, điều 4 cũng nêu rõ: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định”.

Căn cứ theo quy định nêu trên, các tác phẩm phái sinh từ một tác phẩm gốc bao gồm:

– Tác phẩm dịch ra ngôn ngữ khác của tác phẩm gốc: là tác phẩm được dịch sang ngôn ngữ khác một cách sát nghĩa, không diễn đạt sai nội dung dựa trên nội dung của tác phẩm gốc.

– Tác phẩm phóng tác: là tác phẩm phỏng theo tác phẩm gốc, nhưng có sự sáng tạo về nội dung, tư tưởng… Tác phẩm phóng tác thường mang sắc thái mới, khác biệt so với tác phẩm gốc.

– Tác phẩm biên soạn: là việc tổng hợp thông tin, thu thập và chọn lọc các tài liệu tham khảo để viết lại thành một tác phẩm mới có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo.

– Bản chú giải: là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình của người soạn bản chú giải đó, giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc.

– Tác phẩm tuyển chọn: được hiểu là một tập hợp các tác phẩm được lựa chọn bởi người biên soạn.

– Tác phẩm cải biên: là tác phẩm được sáng tạo ra trên cơ sở tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt.

– Tác phẩm chuyển thể: có thể hiểu là tác phẩm dựa trên tác phẩm gốc nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc. Hiện nay, hình thức chuyển thể phổ biến là việc chuyển thể một tác phẩm văn học, câu chuyện… thành tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình…

VẬY TRONG HỘI HỌA PHÁI SINH ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

Hội họa là một trong 7 loại hình nghệ thuật cơ bản. (Kiến trúc, Điêu khắc, Hội họa, Văn học, Âm nhạc, Biểu diễn và Điện ảnh). Cũng là loại hình đầu tiên xuất hiện khi con người có mặt trên trái đất, trước cả tiếng nói và giai điệu. Những hình vẽ về thú vật đã xuất hiện vào khoảng 30000 tới 10000 năm trước Công nguyên trên trong các hang động miền Nam nước Pháp và Tây Ban Nha là một dẫn chứng thú vị cho điều đó.

Hình vẽ trong Động Altamira (Tây Ban Nha). Niên đại: 35.600 năm trước . Chủ đề: hình ảnh màu vàng và than của các dấu tay, bò rừng và ngựa

Dựa trên các khái niệm và luật lệ của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong các lĩnh vực nghệ thuật. Có thể tóm lược lại Phái sinh trong hội họa cũng có thể được hiểu theo nghĩa sau. Ở đây tác giả đã lấy một ví dụ, dẫn chứng đi kèm là các tác phẩm hội họa phái sinh từ bức họa nổi tiếng Monalisa của Leonardo da Vinci (Louver Museum-1797).

Bao gồm các tác phẩm:

– Portrait of a Woman with a Rose của Antoon van Dyck (1635–1639) Sơn dầu – 101.5×79.5cm – Isabella Stewart gardner museum, Boston, Mỹ.

– Monalisa của Leonardo da Vinci (Louver Museum-1797) Sơn dầu trên gỗ dương – 77×53 cm

– 3 nàng “Monalisa Việt” của Mai Trung Thứ (những năm 1958 (34.5×27,6cm), 1961 (25×17.5cm), 1974 (53.5×37.5cm),

– MonaLisa – Thiết kế về nụ cười của Lãnh Quân- Trung Quốc (2004) 125×45 cm

– Quý cô Việt Nam của Nguyễn Khắc Chinh (2019)

Tác phẩm được gọi là phái sinh (không phải sao chép) gồm những đặc điểm như sau:

Một là: Tác phẩm đó được hình thành (sáng tác) trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có từ trước đó, thay đổi tác phẩm gốc nhưng vẫn có dấu ấn đặc trưng. Khi người xem tiếp xúc với tác phẩm phái sinh, họ sẽ liên tưởng ngay đến tác phẩm gốc.

Hai là: Hình thức thể hiện phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc.

Thí dụ như bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci được vẽ bằng Sơn dầu trên gỗ dương, của Mai Thứ thì vẽ bằng bột màu trên lụa, Khắc Chinh và Lãnh Quân là sơn dầu trên Canvas.

Ba là: Mang dấu ấn cá nhân của tác giả sáng tác ra tác phẩm phái sinh. Cụ thể ở đây là chất liệu, màu sắc, kỹ thuật đường nét, xa hơn nữa là tỷ lệ của bức tranh. Thí dụ cơ bản vui như tác phẩm gốc thì không choàng khăn, nhưng ông Mai Thứ lại cho choàng khăn voan, họa sĩ Khắc Chinh lại cho thêm nhân vật chiếc khăn mấn cùng chiếc kiềng rõ nét hơn . Hay như Tác phẩm của Lãnh Quân là một cô gái hiện đại với mái tóc buông xõa với những chi tiết đặc tả siêu thực như ảnh chụp.

Portrait of a Woman with a Rose của Antoon van Dyck (1635–1639) Sơn dầu – 101.5×79.5cm, Isabella Stewart gardner museum, Boston, Mỹ.

Monalisa của Leonardo da Vinci (Louver Museum-1797) Sơn dầu trên gỗ dương – 77×53 cm

3 nàng “Monalisa Việt” của Mai Trung Thứ những năm 1958 (34.5×27,6cm), 1961 (25×17.5cm), 1974 (53.5×37.5cm)

MonaLisa – Thiết kế về nụ cười của Lãnh Quân- Trung Quốc (2004) 125×45 cm

Quý cô Việt Nam của Nguyễn Khắc Chinh (2019)

SAIGON 1.2024

Bài viết bởi Annam Gallery.
Bản quyền thuộc về Annam Gallery.

Thứ 2 ‒ Chủ nhật: 09:00 ‒ 20:00

50.000 VND/người

Địa chỉ: 371/4 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: +84 357 825 800
Email: info@annamgallery.com