Triển lãm “Một thoáng Lưu Công Nhân” là một lát cắt mỏng về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật đồ sộ của danh họa Lưu Công Nhân. Triển lãm đưa khán giả du hành ngược thời gian, từ giai đoạn họa sỹ dưỡng bệnh vào cuối đời tại Đà Lạt với loạt tranh màu nước trên giấy vô cùng tối giản về mảng-hình, trở về thời điểm sự nghiệp vàng son lúc ông trẻ tuổi với loạt sơn dầu trên toan, vừa hiện thực vừa trừu tượng.
Cuối năm 2000, sức khỏe sa sút và vận động hạn chế do mắc bệnh Parkinson, Lưu Công Nhân lại chuyển về Đà Lạt dưỡng bệnh và sau đó qua đời tại đây. Ông vẫn vẽ để vơi đi nỗi nhớ nghề vì với ông, “vẽ là sống”, và vẽ cũng chính là cứu cánh tinh thần vào những ngày cuối đời tại giường bệnh hay trên xe lăn. Vào thời điểm này, ông gặp nhiều khó khăn khi vẽ tranh có kích thước lớn, nên loạt tranh màu nước tĩnh vật – đa phần là hoa, trên nền giấy Điệp và giấy Canson này rất đơn giản với đôi nét dựng mảng-hình. Tuy nhiên, người xem tranh cảm nhận rõ, rằng họa sỹ vẫn làm chủ chất liệu rất tốt và chủ động trong nét bút của mình.
Với loạt tranh sơn dầu, các tác phẩm trải dài từ thời kỳ đầu sáng tác của Lưu Công Nhân với những hình ảnh về con người và cảnh quan thời chiến (thập niên 50-60), sau đó là giai đoạn tiếp xúc và chịu ảnh hưởng bởi hội họa trừu tượng Tây phương (khoảng từ năm 1970 đến 1972), giai đoạn họa sỹ sống tại Hội An và vẽ tranh về phố thị cổ kính này (1984-1985), và thời kỳ tập trung vẽ nhiều tranh khỏa thân nữ (thập niên 90).
_____
Tài liệu tham khảo:
Đào Mai Trang, Lưu Công Nhân và hội họa, NXB Thế Giới, 2022
Đào Mai Trang, Họa sĩ khóa Kháng Chiến (1950-1954), NXB Mỹ Thuật, 2017
Họa sĩ Lưu Công Nhân: Vẽ là sống
Họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007): Một bậc thầy tĩnh tại | SOI
Lưu Công Nhân vẫn họa tình vào thế giới thanh tân
Họa sĩ Lưu Công Nhân ‘Hoàng tử của giới mỹ thuật’
Lần đầu công bố 60 tác phẩm của danh họa Lưu Công Nhân
Triển lãm 50 tác phẩm của danh họa Lưu Công Nhân – Báo VnExpress Giải trí
Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom | NHỮNG NẺO ĐƯỜNG LƯU CÔNG NHÂN